Hội thảo Cách mạng 4.0 và những vấn đề đặt ra đối với việc cải cách hệ thống pháp luật Việt Nam


Ngày 12/01/2018, Khoa Luật - Đại học Quốc gia đã tổ chức Hội thảo Khoa học với chủ đề: “Cách mạng 4.0 và những vấn đề đặt ra đối với việc cải cách hệ thống pháp luật Việt Nam”.

Hội thảo có sự tham gia của đại diện lãnh đạo các cơ sở đào tạo chuyên ngành luật trên cả nước và nhiều chuyên gia đầu trong lĩnh vực công nghệ của Việt Nam. NCS.ThS. Ma Thị Thanh Hiếu đại diện Khoa Luật, Trường Đại học Khoa học (Đại học Thái Nguyên) tham dự Hội thảo.

 

Tại buổi Hội thảo, các đại biểu đã tham luận nhiều vấn đề liên quan đến cuộc cách mạng 4.0 và nêu ra những ý kiến, kiến nghị khoa học trong việc cải cách hệ thống pháp luật Việt Nam để thích ứng với Cuộc cách mạng này. Trong đó, phần lớn các ý kiến đều cho rằng, với xu hướng phát triển của thời đại, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và để giải phóng sức ép từ sức mạnh công nghệ thì Việt Nam cần xây dựng khuôn khổ pháp lý phù hợp.

 

Được biết, cuộc cách mạng 4.0 là tên gọi tắt của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, với sự trợ giúp của Internet vạn vật, tự động hóa trong sản xuất và cả trong quản lý, cùng với các vật liệu mới tiên tiến, thông minh và các công nghệ mới, tạo ra những máy móc, thiết bị mới có năng lực thần kỳ mà trước đây chỉ có trong các câu chuyện viễn tưởng.

Cuộc cách mạng 4.0 đã tạo nên những động lực mạnh mẽ của khoa học, công nghệ, làm mờ ranh giới giữa vật lý, kỹ thuật số và sinh học, mang đến những biến chuyển sâu sắc về xã hội. Bởi vậy, cuộc cách mạng 4.0 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến pháp luật cả về không gian, thời gian, chủ thể pháp lý, các hành vi và phương tiện pháp lý.

Những thay đổi nhiều chiều như vậy đòi hỏi cách tiếp cận mới trong hệ thống pháp luật thực định, trong tư duy và cả trong giảng dạy luật học.


Bài viết liên quan